Bộ 3 cửa khẩu kết nối cảng quốc tế giúp Long An thay đổi diện mạo kinh tế

28/06/2022

Hội tụ nhiều thế mạnh

Long An có 3 cửa khẩu chính, gồm: Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp; Cửa khẩu Quốc gia Mỹ Quý Tây và Cửa khẩu phụ Hưng Điền A. Tại khu vực Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường có khu kinh tế cửa khẩu Long An, là cửa ngõ nối liền Đông Nam Bộ, giao thông thuận tiện với TP.HCM... Ngoài việc thuận lợi giao thương hàng hóa, Khu kinh tế cửa khẩu Long An được hình thành, từng bước đã khai thác hiệu quả các thế mạnh, tiềm năng về lao động, vị trí kết nối với Campuchia và các tỉnh lân cận vùng Đồng Tháp Mười với chi phí đầu tư thấp và môi trường thiên nhiên ưu đãi.

Đến nay, sau hơn 6 năm đi vào hoạt động, khu kinh tế cửa khẩu đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương và khu vực. Tại đây đã thu hút được 2 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đó là dự án của Công ty TNHH Tainan Enterprises Việt Nam (ngành dệt, nhuộm) với quy mô 16,9 ha, tổng vốn đầu tư 65 triệu USD và dự án Nhà máy Sản xuất giày nữ thời trang cao cấp của Công ty TNHH Victory International Việt Nam, diện tích 4,29 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 10 triệu USD.

Khu kinh tế cửa khẩu đã hoàn thành một phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật, diện tích quy hoạch 68,36 ha. Trong đó, giai đoạn I đã hoàn thành và đưa vào hoạt động Trạm kiểm soát liên hợp, bãi xe, đường giao thông kết nối bến thủy nội địa... Bên cạnh một số dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghiệp, tại đây đang dần hình thành các khu vực dân cư, thương mại...

1_11-06-2022-21-25-55.jpg

 Long An có 3 cửa khẩu chính, gồm: Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp; Cửa khẩu Quốc gia Mỹ Quý Tây và Cửa khẩu phụ Hưng Điền A. (Ảnh: Nguyễn Quang)

Ông Nguyễn Minh Tùng, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Bình Hiệp, Cục Hải Quan Long An cho biết, ngành chức năng tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng, nhất là mở rộng bến bãi, khu vùng đệm, tạo sự thông thoáng giao thương hàng hóa.

"Hàng hóa từ cảng quốc tế về cửa khẩu chủ yếu hàng rời, hàng container quá cảnh do đó cần tiếp tục đầu tư đường thông thương, cũng như tiếp tục có chính sách "trải thảm" hỗ trợ doanh nghiệp, thuận lợi cho hàng hóa qua cửa khẩu. Tôi cũng mong muốn tỉnh Long An quan tâm nâng cấp thêm về cầu, đường đúng trọng tải để thuận lợi giao thương hàng hóa" - ông Nguyễn Minh Tùng nói.

Các cửa khẩu và khu kinh tế biên mậu đều nằm trên trục đường Quốc lộ 62, N2, ĐT 830 hoặc gần các tuyến ĐT 822B, ĐT 827E... Những tuyến giao thông huyết mạch để kết nối cảng Hiệp Phước TP.HCM và cảng Quốc tế Long An. Qua đánh giá, tiềm năng và dư địa của Long An để phát triển, thu hút đầu tư vẫn còn nhiều, nếu các tuyến đường trên tiếp tục được mở rộng và hoàn thiện tính liên kết vùng.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An cho rằng: "Hiện nay Khu Kinh tế cửa khẩu tại Long An đã giải quyết được hơn 2.000 lao động, tạo việc làm tăng thu nhập cho bà con trên địa bàn thị xã Kiến Tường. Cũng kiến nghị với Trung ương và tỉnh tiếp tục quan tâm nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 62 để kết nối thông thương, nhất là đi từ TP.HCM, trung tâm kinh tế lớn của khu vực phía Nam. Hiện Quốc lộ 62 vẫn còn nhỏ, nên việc khuyến khích nhà đầu tư còn hạn chế".

Gỡ điểm nghẽn để liên kết vùng

Theo UBND tỉnh Long An, muốn phát triển bền vững đòi hỏi phải có một hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông đồng bộ và hợp lý. Trong 3 năm trở lại đây, Long An tăng tốc triển khai và hoàn thiện hàng loạt dự án giao thông kết nối các cửa khẩu với khu công nghiệp và cụm cảng quốc tế như: ĐT 830, ĐT 818, ĐT 825, ĐT 823, ĐT 826B… tạo nên một hệ thống giao thông tương đối hoàn chỉnh.

Khu cảng Quốc tế Long An với 7 cầu cảng đủ khả năng tiếp nhận tàu 30.000-70.000 DWT đã đi vào hoạt động... Đây là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, giúp Long An trở thành điểm sáng trong thu hút nguồn lực đầu tư suốt nhiều năm qua.

5a6f2027fd8609d85097-2048x1151.jpg

Long An được xem là một điểm sáng thu hút đầu tư với nhiều cơ chế ưu đãi cùng tiềm năng lợi thế từ cụm các cửa khẩu, khu kinh tế cửa khẩu và cảng quốc tế. (Ảnh: Nguyễn Quang)

Bên cạnh đó, địa phương cũng đã đề xuất nâng cấp Cửa khẩu Quốc gia Mỹ Quý Tây tại huyện biên giới Đức Huệ thành Cửa khẩu Quốc tế. Khu vực này có nhiều thuận lợi khi giáp với 2 địa phương trọng điểm về kinh tế công nghiệp Đức Hòa và Bến Lức. Gần khu vực Cửa khẩu Quốc gia Mỹ Quý Tây, tỉnh Long An quy hoạch một khu công nghiệp 162ha, cụm công nghiệp trên 50ha và đã sẵn sàng quỹ đất sạch hơn 2.300 ha...

Ông Nguyễn Thanh Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Đức Huệ, tỉnh Long An cho biết: khu vực cửa khẩu cũng đã được tỉnh quy hoạch hoàn chỉnh hệ thống giao thông, gồm trục đường ĐT 822B nối Đức Huệ với Đức Hòa đi TP.HCM; đường Vành đai 4... cũng như trục giao thông kết nối cửa khẩu Mỹ Quý Tây với Cảng Quốc tế Long An.

"Tôi nghĩ 3 tuyến đường chủ lực này khi được tỉnh đầu tư hoàn chỉnh thì vừa kết nối giao thông với các địa phương bạn, kết nối giữa cảng với các cửa khẩu có điều kiện để Đức Huệ phát triển. Đặc biệt khi giao thông thuận lợi hơn các nhà đầu tư cũng sẽ quan tâm đến khu vực này nhiều hơn. Cũng mong muốn nhà đầu tư tiếp tục về Đức Huệ tìm hiểu, đầu tư làm ăn. Qua đó giúp địa phương phát triển, nâng cao đời sống người dân góp phần cho khu vực cửa khẩu phát triển hơn trong thời gian tới" - ông Nguyễn Thanh Nguyên nói.

Theo Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An, thời gian qua, tỉnh đã tạo nhiều điều kiện để các doanh nghiệp đến đầu tư, như: giảm các thủ tục hành chính, ưu đãi về thuế, xây dựng một số hạng mục cơ sở hạ tầng, tạo quỹ đất sạch. Chính vì thế, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm tìm hiểu và xin chủ trương đầu tư. Trong đó, khu kinh tế cửa khẩu, cảng biển đóng vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp, hỗ trợ phát triển dịch vụ trong nước thông qua đẩy mạnh giao lưu kinh tế đối với các nước láng giềng.

Vấn đề lớn nhất hiện nay là tiếp tục cải thiện hạ tầng giao thông. Vì vậy thời gian tới, tỉnh Long An sẽ tiếp tục hoàn thiện tính kết nối liên vùng; đẩy mạnh mời gọi các nhà đầu tư đủ năng lực để đầu tư vào hạ tầng khu công nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp. Để phát huy hiệu quả kinh tế từ cụm cửa khẩu cũng như cảng quốc tế, Long An tiếp tục quy hoạch khu kinh tế ven biển giai đoạn 2021 -2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Ông Nguyễn Thành Thanh, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An cho biết: "Khu Kinh tế ven biển với diện tích trên 13.000 ha đang làm thủ tục xin ý kiến bộ ngành thẩm định trình Thủ tướng. Tôi nghĩ rằng đây cũng là điều kiện để thu hút các nhà đầu tư. Hi vọng rằng trong thời gian tới Quốc lộ N2 được nâng cấp mở rộng, rồi Quốc lộ 62 được nâng cấp, làm mới sẽ tạo điều kiện cho các cửa khẩu, khu kinh tế cửa khẩu tiếp tục phát triển".

Với nhiều cơ chế ưu đãi cùng tiềm năng lợi thế từ cụm các cửa khẩu, khu kinh tế cửa khẩu và cảng quốc tế, Long An đang là một điểm sáng thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Việc đầu tư, nâng cấp về giao thông kết nối liên hoàn cả trong lẫn ngoài sẽ tạo nên một cú hích lớn, không chỉ làm thay đổi diện mạo kinh tế dọc tuyến biên giới mà còn giúp Long An dần định hình một trung tâm kinh tế trọng điểm của khu vực.

partner_day_lhc_2022_10.jpg 

Sáng 22/4, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An và Khu Công nghiệp Long Hậu tổ chức Diễn đàn kết nối và thúc đẩy hợp tác cho hơn 200 doanh nghiệp trên địa bàn khu công nghiệp huyện Cần Giuộc tìm kiếm cơ hội hợp tác trong hành trình phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh.

long_an_1.jpg 

Mặc dù mục tiêu đặt ra là ngày 15/10 Long An sẽ có 40% số doanh nghiệp tái sản xuất ổn định, tuy nhiên đến ngày 7/10, tỉnh đã hoàn thành mục tiêu trên.

f224adaea72e55700c3f.jpg 

Những năm gần đây, Long An đã có sự phát triển bứt phá, trở thành một trong những địa phương năng động, tích cực của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và của cả nước.

Nguồn: https://amp.vov.vn/kinh-te/bo-3-cua-khau-ket-noi-cang-quoc-te-giup-long-an-thay-doi-dien-mao-kinh-te-post949895.vov


Đăng ký nhận Newsletter

Cập nhật thông tin mới nhất từ chúng tôi.