Quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An tham dự Lễ ký kết Văn kiện Dự án Nhân rộng phương pháp tiếp cận khu công nghiệp sinh thái để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

20/11/2024

Dự án do Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ ngân sách cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư trị giá gần 3,4 triệu USD nhằm thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trong các khu công nghiệp của Việt Nam trong giai đoạn 2024-2028. Dự án sẽ được thực hiện trong thời gian 54 tháng kể từ ngày Dự án được phê duyệt, chủ dự án là Vụ Quản lý Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; địa điểm thực hiện tại Hà Nôi và các thành phố Hải Phòng, Bắc Ninh, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh và Long An dưới sự điều phối của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO).

Khoản tài trợ này sẽ tạo điều kiện nhân rộng mô hình khu công nghiệp sinh thái tại nhiều khu công nghiệp: Hỗ trợ đánh giá RECP/CSCN đối với khu công nghiệp VSIP (tỉnh Bắc Ninh) và khu công nghiệp Tân Đô (tỉnh Long An), hỗ trợ khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (thành phố Hải Phòng) thực hiện quy trình, thủ tục chứng nhận khu công nghiệp sinh thái và thực hiện hoạt động kinh tế tuần hoàn giữa khu công nghiệp và đô thị.

Tiếp tục hỗ trợ để thực hiện và giám sát các cơ hội khu công nghiệp sinh thái đã được xác định tại 3 khu công nghiệp (DEEP C, Hiệp Phước và Amata) trong khuôn khổ dự án khu công nghiệp sinh thái trước (2020-2024).

Anh-tin-bai

Lễ ký kết Văn kiện Dự án "Nhân rộng phương pháp tiếp cận khu công nghiệp sinh thái để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam" diễn sáng 15/11 tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư

 Dự án có mục tiêu thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn trong các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, giảm tác động môi trường của sản xuất công nghiệp và giúp các khu công nghiệp thích ứng với BĐKH. Dự án sẽ tiếp tục nhân rộng việc thực hiện KCNST, tập trung vào nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm thiểu chất thải, thúc đẩy tái chế, nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của các doanh nghiệp, từ đó góp phần phát triển công nghiệp bền vững và toàn diện.

Sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng của Việt Nam từ giai đoạn trình diễn các lợi ích của khu công nghiệp sinh thái sang thúc đẩy và nhân rộng các phương pháp tiếp cận khu công nghiệp sinh thái, góp phần nâng cao vị thế và phát triển bền vững mô hình này trên cả nước.Anh-tin-bai

Nhân rộng mô hình khu công nghiệp sinh thái để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

 Anh-tin-bai

Đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An tại Lễ ký kết

Trong đó, một số kết quả đáng chú ý là: Lồng ghép quy định về khu công nghiệp sinh thái vào các văn bản pháp quy có liên quan về khu công nghiệp, khu kinh tế và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; hỗ trợ thực hiện các giải pháp khu công nghiệp sinh thái tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, tiết kiệm điện, nước, vật liệu, giảm phát thải CO2, tối ưu hóa việc tái sử dụng chất thải, thực hiện kinh tế tuần hoàn; xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về khu công nghiệp sinh thái; nâng cao nhận thức, thực hiện tập huấn, đào tạo, tăng cường năng lực về khu công nghiệp sinh thái.

Anh-tin-bai

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Lễ ký kết

 

Việt Nam hiện có 436 khu công nghiệp, thu hút khoảng 35-40% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng thêm hàng năm, trong đó hơn 300 khu công nghiệp đang hoạt động tạo việc làm cho hơn 4,16 triệu lao động trực tiếp và đóng góp trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Với những nỗ lực trong việc thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, cam kết đưa phát thải ròng về 0 năm 2050 tại COP26, Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam cũng như các chương trình hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, việc chuyển đổi các khu công nghiệp sang khu công nghiệp sinh thái và xây dựng các khu công nghiệp sinh thái mới trong hệ thống các khu công nghiệp sẽ đóng góp đáng kể vào việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh và các cam kết quốc tế của Việt Nam trong phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chương trình được triển khai tại các quốc gia như Colombia, Ai Cập, Indonesia, Peru, Nam Phi, Ukraine và Việt Nam, tập trung vào tích hợp khu công nghiệp sinh thái vào chính sách quốc gia và phát triển công cụ hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển bền vững của các khu công nghiệp./.

Đăng ký nhận Newsletter

Cập nhật thông tin mới nhất từ chúng tôi.