Tiết kiệm và tuần hoàn nước trong sản xuất công nghiệp

01/09/2022

Rủi ro nguồn nước ở Long An và tác động đến doanh nghiệp

 Long An nằm trên sông Vàm Cỏ Đông và thuộc hệ thống sông Đồng Nai. Do tác động của biến đổi khí hậu và hoạt động khai thác sử dụng nước và ô nhiễm nước thải từ sản xuất công nghiệp cũng như nước thải sinh hoạt đô thị. Khu vực này đang gặp một số rủi ro sau về nguồn nước. 35% nước ở lưu vực sông Đồng Nai dành cho sản xuất công nghiệp. Các tỉnh thuộc lưu vực sông Đồng Nai đều là trung tâm công nghiệp lớn nhất cả nước, gồm Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tp. Hồ Chí Minh, Tây Ninh và Long An. Theo đánh giá từ công cụ Rủi ro nguồn nước (Water Risk Filter) của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF), các khu vực ở lưu vực sông Đồng Nai có rủi ro cao về lũ lụt, quản trị nguồn nước kém hiệu quả, rủi ro uy tín về ô nhiễm nước (xem hình 1).   

nuoc cap1.png

Hình 1: Rủi ro nguồn nước tại lưu vực sông Đồng Nai

 

 

Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, chất lượng nước ở các khu vực Tp HCM và Long An tương đối thấp. Diễn tiến chất lượng nước qua các năm 2014 đến 2018 có xu hướng xấu hơn ở các điểm như Bến đò Tân Thanh, Hợp lưu kênh An Hạ (xem hình 2).

nuoc cap 2.png 

Hình 2: Chất lượng nước trên lưu vực sông Đồng Nai

 

Chất lượng nước sông kém sẽ dẫn đến chi phí xử lý nước cấp tăng, làm tăng giá nước cấp. Ngoài ra, việc quản trị nước sẽ được siết chặt để ngăn chặn đà suy giảm chất lượng nước, thông qua tăng tiêu chuẩn xả nước thải, phí xả thải ra môi trường, cắt giảm hạn mức lượng nước thải. Đối với doanh nghiệp, ngoài việc tăng chi phí xả thải, hạn mức xả thải sẽ cản trở việc mở rộng quy mô sản xuất.

Doanh nghiệp có thể làm gì để giảm rủi ro về nước

Nhìn thấy trước các rủi ro về nguồn nước, nhiều doanh nghiệp trong các ngành sản xuất sử dụng nhiều nước như dệt may, chế biến thực phẩm và đồ uống đã áp dụng nhiều giải pháp để giảm lượng nước sử dụng, thu hồi tái sử dụng nước trong quy trình sản xuất, hay tái chế tuần hoàn nước thải. Việc giảm suất tiêu thụ nước và giảm xả thải không những giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí liên quan, mà còn giúp bảo vệ môi trường và uy tín hình ảnh của doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước, cộng đồng, và các nhà mua hàng hay bán lẻ toàn cầu. 

 nuoc cap 3.png

Hình 3 tập hợp một số công nghệ và thực hành tăng hiệu quả sử dụng nước trong ngành Dệt nhuộm

 

      nuoc cap 3.png

Bể chứa nước giặt cuối thu hồi                

nuoc cap 4.png

  Máy nhuộm dung tỷ thấp                   

nuoc cap 5.png

 Tái chế tuần hoàn nước thải

 

 

Lượng nước tiết kiệm được từ các giải pháp này có thể lên tới 70%, như dự án tái chế tuần hoàn nước thải. Thời gian hoàn vốn trung bình thường từ 3 đến 5 năm với các giải pháp cần đầu tư lớn.  

 

Để nhằm giúp các doanh nghiệp công nghiệp và khu công nghiệp tại địa phương tăng hiệu quả sử dụng nước, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh phối hợp với VCCI và WWF triển khai chương trình đánh giá cơ hội tuần hoàn nước và tài nguyên. Chương trình chọn 01 khu công nghiệp và 05 doanh nghiệp trong khu công nghiệp được chọn để thực hiện thí điểm cuộc đánh giá này. Với đội ngũ tư vấn có chuyên môn và kinh nghiệm lâu năm, việc đánh giá được tiến hành nhanh gọn trong thời gian một buổi làm việc tại mỗi cơ sở. Sau buổi làm việc, tư vấn sẽ chia sẻ với từng doanh nghiệp các đề xuất về cải tiến quy trình sản xuất hay đầu tư máy móc để giảm, tái sử dụng hay tái chế nước, tiết kiệm chi phí nước đầu vào và xử lý nước thải.  Các doanh nghiệp sử dụng nhiều nước và đang phải trả chi phí cao cho việc mua nước, xử lý và xả nước thải sẽ được ưu tiên chọn lựa để hỗ trợ miễn phí gói đánh giá cơ hội tuần hoàn nước này.

 

Đợt khảo sát trong tháng 8/2022 vừa qua, Đoàn khảo sát của chương trình trên đã nhận được sự hỗ trợ, phối hợp tốt của các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Xuyên Á: Công ty CP Ngọc Phong (chủ Khu công nghiệp Xuyên Á), Công ty TNHH Đỉnh Hằng (dệt nhuộm), Công ty TNHH Eldovina (xi mạ); sau buổi làm việc với Đoàn các doanh nghiệp trên đều đánh giá cao, nhận thấy tầm quan trọng của việc tiết kiệm và tuần hoàn nước trong sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, Chương trình cũng gặp một số khó khăn khi tiếp cận với một số doanh nghiệp dệt nhuộm khác đang hoạt trong khu công nghiệp Xuyên Á vì chưa sắp xếp được thời gian làm việc với Đoàn./.

 

Hửu Phát – Thanh Tấn 

 

Đăng ký nhận Newsletter

Cập nhật thông tin mới nhất từ chúng tôi.