Sáng 27/10, Ban Quản lý Các khu chế xuất và Công nghiệp TPHCM (Hepza) tổ chức hội nghị tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp TP. Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Hiếu; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp; Thành ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Văn Dũng; Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan. Về phía đại diện tỉnh Long An có ông Nguyễn Thành Thanh – Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An tham dự.
Hội nghị nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động của các khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) và đề ra phương hướng nhiệm vụ cho giai đoạn những năm tiếp theo. Đồng thời, đánh giá mô hình hoạt động của HEPZA; biểu dương các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích đóng góp cho sự phát triển của các KCX, KCN TP.HCM.
Trưởng ban Quản lý HEPZA Hứa Quốc Hưng báo cáo quá trình xây dựng và phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất TP HCM
Báo cáo tại hội nghị, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Quản lý HEPZA Hứa Quốc Hưng cho biết, sau 30 năm phát triển, đến nay TPHCM đã có 3 khu chế xuất (KCX) và 14 khu công nghiệp (KCN) đi vào hoạt động; góp phần thực hiện các mục tiêu thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, giải quyết việc làm, du nhập kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, tăng năng lực xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ và góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của TP phát triển.
Ông Trần Duy Đông – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội nghị
Trong giai đoạn đầu thực hiện chính sách đổi mới, Chính phủ chủ trương làm thí điểm một mô hình kinh tế nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mô hình KCX đầu tiên của cả nước - KCX Tân Thuận đã ra đời vào ngày 25/11/1991.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM – Nguyễn Văn Nên phát biểu tại Hội nghị
Vượt qua những khó khăn thử thách, từ thành công của mô hình KCX Tân Thuận, lần lượt các KCX, KCN tại TP.HCM, cũng như hầu hết tỉnh, thành trong cả nước được thành lập. Sau 30 năm, TP.HCM có 3 KCX và 14 KCN đi vào hoạt động, góp phần thực hiện các mục tiêu thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Từ đó giải quyết việc làm, du nhập kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, tăng năng lực xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ và góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của TP.HCM phát triển.
Đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An tham dự Hội nghị
Một trong những yếu tố quan trọng góp phần quyết định cho sự phát triển các KCX, KCN của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung là cơ chế quản lý "một cửa, tại chỗ". Cơ chế này ra đời và vận hành lần đầu tiên cùng với việc ra đời và phát triển của KCX Tân Thuận. Với những bước tiến đột phá trong thu hút đầu tư vào các KCX, KCN TP.HCM, cơ chế quản lý "một cửa, tại chỗ" đã được nhân rộng, áp dụng rộng rãi và trở thành nguyên tắc hoạt động của các Ban Quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế (KKT) trong cả nước từ đó đến nay.
Quang cảnh hội nghị
Từ thực tiễn xây dựng và phát triển KCX, KCN trong 30 năm qua, đồng chí Hứa Quốc Hưng cho biết, Hepza kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa cơ chế "một cửa tại chỗ" để đơn giản các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho việc triển khai các dự án đầu tư, giải quyết nhanh những vấn đề phát sinh tại KCX, KCN, tạo ra sức hút mạnh cho nguồn vốn đầu tư vào KCX, KCN.
Thanh Tấn