Sáng 9/11, Sở Công Thương Long An phối hợp UBND thị xã Kiến Tường tổ chức hội thảo về xúc tiến và thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam trên địa bàn tỉnh Long An. Tham dự hội thảo có Ông Võ Ngọc Đỉnh – Phó trưởng ban – Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh và đại diện Phòng Quản lý Kế hoạch và Đầu tư Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, Cục Hải quan, các huyện, thị xã biên giới, một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Tại hội thảo, đại diện các sở, ngành, địa phương đã khái quát về hiện trạng hạ tầng biên giới của tỉnh Long An; danh mục các dự án thương mại biên giới cần kêu gọi đầu tư; thực trạng hoạt động xuất nhập khẩu qua biên giới…
Quang cảnh buổi hội thảo
Nêu ý kiến tại hội thảo, các doanh nghiệp cho rằng, cần có chủ trương và cơ chế, chính sách thúc đẩy đầu tư vào khu vực biên giới; đồng thời, cần tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối thông suốt để tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao thương, đi lại; phát triển nhiều loại hình dịch vụ đi kèm để thu hút phát triển kinh tế - xã hội, thu hút hàng hóa giao thương qua các cửa khẩu trên địa bàn.
Bà Châu Thị Lệ - Phó giám đốc Sở Công thương và Ông La Văn Dân – Phó chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường chủ trì hội thảo
Long An được đánh giá có điều kiện phát triển hài hòa công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ và có tiềm năng, lợi thế phát triển thương mại biên giới với 133 km đường biên giới tiếp giáp 2 tỉnh Svây Riêng và Prây - Veng, Vương Quốc Campuchia. Đồng thời, Khu Kinh tế cửa khẩu Long An với tổng diện tích 13.080 ha là trục hành lang kinh tế quan trọng nằm phía Tây tỉnh Long An và là một trong những đầu mối giao thương quan trọng trong vùng Đồng Tháp Mười gắn với các tuyến giao thông Xuyên Á.
Sau buổi hội thảo, BQL KKT khảo sát và kiểm tra tiến độ đầu tư hạ tầng tại CKQT Bình Hiệp
Các đại biểu bàn về các giải pháp phát triển hạ tầng thương mại biên giới tại hội thảo. Trong đó, đánh giá hiện trạng hạ tầng biên giới của tỉnh, danh mục hạ tầng thương mại biên giới cần kêu gọi đầu tư, thực trạng hoạt động xuất nhập khẩu qua biên giới của tỉnh Long An, vai trò hạ tầng thương mại trong hoạt động xuất nhập khẩu. Thực trạng và định hướng thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng biên giới tại thị xã Kiến Tường và huyện Đức Huệ; Thực trạng và tình hình hoạt động, thu hút đầu tư tại Khu cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp; Góc nhìn doanh nghiệp việc thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại biên giới… cũng được đại biểu quan tâm, chia sẻ nhằm góp phần thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại biên giới tỉnh Long An nói riêng và Việt Nam nói chung.
Mục tiêu đến năm 2030, vùng biên giới của Long An sẽ là trở thành vùng kinh tế năng động, khai thác tiềm năng để phát triển thành vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; Khu kinh tế cửa khẩu trở thành hạt nhân quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Long An và vùng Đồng bằng sông Cửu Long thông qua đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, thương mại, hợp tác giao thương giữa Việt Nam và Campuchia./.
Thanh Tấn (BQLKKT)